Theo kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, có 3 bước để thiết kế một dự án bao gồm:
Bước 1: Chọn đất. Ở bước này, trong phong thủy đất đai, người ta thường xem thế đất theo trường phái Loan Đầu, thuộc về phần Dương, hay còn gọi là Dương trạch.
Bước 2: Xem xét đường Âm. Tức là kiểm tra về đường Long mạch (hay còn gọi là Âm trạch), coi đất có điều gì bất thường liên quan đến phần âm hay không. Khái niệm về Âm trạch thường được hiểu như vấn đề liên quan đến mộ phần, nhưng bản chất Âm trạch có một nửa thuộc về phong thủy đất đai. Kiểm tra Long mạch giúp gia chủ biết được vùng đó thịnh hay suy.
Ngày trước, khi xây dựng các khu dân cư, bao giờ người xưa cũng nhờ đến những bậc thầy về phong thủy đất đai tìm những nơi địa linh hay có Long mạch chạy qua, để cầu mong sự phồn thịnh và phát triển bền vững. Đặc biệt là việc đặt kinh đô một quốc gia, điều này càng được coi trọng.
Bước 3: Sau khi tìm được vùng đất tốt theo địa lý, tiếp đến là xếp đặt từng khu đất nhỏ, từng công trình chức năng riêng biệt theo thế đất, phương hướng phù hợp phong thủy.
Long mạch khu đất
Trong phong thủy đất đai, khi nói đến Long mạch, mọi người thường chỉ có cái nhìn chung chung và khá mơ hồ vì ít được tiếp cận thực tế. Chuyên gia Hoàng Trà lý giải, Long mạch là từ gọi chung của 3 yếu tố: Khí mạch, Sơn mạch và Thủy mạch.
Định nghĩa: Sơn là cốt của Long (Rồng), đất là da thịt; Thủy là huyết mạch; Khí mạch là Thiên khí mà đất hấp thụ từ trời cao và còn gọi là Tiên khí. Khí thông qua Thủy mà vận hành, Thủy ẩn tàng trong Sơn, không tách rời nhau, là phần hồn của Long và cũng là năng lượng của Long.
Trong đó, Long mạch có Can long và Chi long, thường các nhà phong thủy đất đai sẽ tìm Can long, nhưng Long của chủ Can vốn không kết huyệt, mà phải biến thành phân chi mới kết huyệt được. Sự xuất hiện của Long phải có Thái tổ sơn, Thiếu tổ sơn, Phụ mẫu sơn, cùng các tiểu trướng sơn nổi lên. Nếu Địa mạch của chi long phân ra từ Tiểu trướng sơn, thì đó là Chi của Can Long, nếu phân ra từ góc núi của Tiểu trướng sơn, thì đó là Bàng chi của Can Long.
Long kết huyệt ở đầu gọi là Thiếu Long, ở ngực gọi là Sơ Long, ở eo lưng gọi là Trung Long và ở đuôi gọi là Tận Long. Các vị trí kết huyệt thường người ta sẽ xây những công trình quan trọng, có tầm ảnh hưởng đến cả khu vực, thậm chí cả vùng đất.
“Nếu ví trong thực tế, hệ thống Long mạch được hiểu như hệ thống hạ tầng của một quốc gia, gồm giao thông, đường điện, đường nước. Một khu vực mà ở đó không có đường đi, không có điện nước cấp tới, thì đương nhiên dân cư khu đó không phát triển. Tương tự như vậy, vùng đất không có Long mạch của địa lý phong thủy chạy qua, đương nhiên vùng đó cư dân cũng ít vượng phát”, kiến trúc sư Hoàng Trà diễn giải.
Cũng theo ông Trà, chủ đầu tư các khu dự án hay các công trình hiện nay thường chỉ quan tâm làm sao để sở hữu được các khu đất có vị trí địa lý tốt, thuận lợi và cho rằng khi sở hữu được các yếu tố này, thành công của dự án đã đạt trên 50%.
Tuy nhiên, có những khu đất dù vị trí rất đẹp nhưng đường Âm và Long mạch lại xấu, thì dù chủ đầu tư có đổ nhiều tiền vào xây dựng, phát triển dự án đều có nguy cơ bị thua lỗ. Thậm chí, bao nhiêu tài sản đổ vào đó đều bị phân tán ngược ra ngoài.
Thực tế, có những chủ đầu tư có tiềm lực mạnh, hay có thể huy động được vốn từ các nguồn khác nhau, quá trình xây dựng dự án cũng theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động thì lại không hiệu quả, nhiều trường hợp làm ăn thua lỗ và rồi bị siết nợ, phát mại…
Những trường hợp này, xét về mặt phong thủy đất đai, là do vướng phải khu đất hãm tài lộc (hay còn gọi là đất nghịch). Như vậy, bước đầu tiên để làm một dự án bất động sản tốt, theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, là phải nhìn nhận được vấn đề thịnh – suy của khu đất như đã đề cập bên trên.
Khoa học đã chứng minh rằng, hệ thống sông ngòi, mạch nước, núi non được hình thành từ những cơn biến đổi địa chất, diễn ra từ hàng triệu năm về trước trong lớp vỏ trái đất. Quá trình này tạo thành hệ mạch, tương tự như mạch máu trong cơ thể con người. Việc xác định được Long mạch của khu đất sẽ giúp gia chủ có thể đưa ra những hướng xử lý tốt cho việc bố trí các khu công năng khi xây dựng.
Đối với những vùng đất không có Long mạch hoặc có thế đất xấu, người đầu tư có thể vận dụng phong thủy đất đai như một chìa khóa để hóa giải, cải tạo để có được hiệu quả đầu tư tốt hơn.