Dùng lại đồ cũ cho nhà mới có làm hỏng nội khí?

Đa số các gia đình đều tận dụng đồ cũ cho ngôi nhà mới, trừ khi có điều kiện sắm mới toàn bộ đồ đạc. Tuy nhiên, tái sử dụng đồ cũ cần có chọn lọc, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nội khí của không gian sống.

Các gia chủ hầu như ai cũng biết nhà kiểu nào thì đặt đồ kiểu đó cho đồng bộ. Chẳng hạn, nếu đồ đạc đa phần kiểu xưa “sập gụ tủ chè” thì không gian nhà có chất hoài niệm mới phù hợp. Trong khi đó, bàn ghế kiểu tối giản Bắc Âu lại cần không gian nội thất hiện đại, nếu làm ngược lại thì sẽ khiến cái cũ và cái mới xung khắc.

nội khí nhà ở
Chất liệu gỗ và gạch khi kết hợp với nhau sẽ giúp không gian đạt được
nền tảng cơ bản của một nội khí thống nhất, hài hòa

Quan niệm trên dù có đúng nhưng nếu xét về mặt phong thuỷ và nghệ thuật trang trí đương đại thì chưa đủ. Bởi xưa nay, kiến trúc và phong thủy đều muốn hướng tới sự dung hòa các mặt đối lập. Tất cả những phối trộn về nội thất tựu chung đều hướng đến sự bình ổn và thuận tiện trong sử dụng, chứ không bắt buộc đồ nội thất kiểu truyền thống nhất định không được đặt trong nhà kiểu mới hay ngược lại.

Dưới đây là một số nguyên tắc giúp gia chủ chọn lọc đồ đạc để tạo sự hài hòa cho không gian sống:

– Đồ đạc thuộc hành Mộc và Thổ thiên về tính âm nên hợp với phong cách cổ điển: Những món đồ bằng chất liệu gỗ, gốm tự nhiên, có bề mặt thô mộc hợp với các không gian mang tính âm, cần yên tĩnh như không gian thờ cúng, góc tâm linh, phòng ngủ, thư phòng…

– Đồ đạc thuộc các hành Kim và Hỏa thiên về tính dương, hợp xu hướng hiện đại: Những món đồ bằng kim loại, nhựa, có màu sắc rực rỡ, đường nét sắc sảo, hoạ tiết trẻ trung… phù hợp với các không gian mang tính dương như góc học tập, phòng sinh hoạt, phòng khách kiểu hiện đại, phòng ngủ trẻ em.

phòng khách hợp phong thủy
Một phòng khách giao hòa Đông – Tây duyên dáng nhờ sự kết hợp giữa lò sưởi
phương Tây với tượng gỗ Việt Nam, hình khối vuông vức của Thổ kết hợp nét
mềm mại của Thủy. Ảnh: Song Nguyên

– Đồ đạc thuộc hành Thủy – có vai trò trung hòa, kết nối: Giống như dòng nước chảy, đồ đạc hành Thủy có tính lan tỏa, kết nối các không gian với nhau nhờ nét mềm mại linh hoạt, vừa tương sinh cho Mộc và hạn chế Hỏa, vừa được Kim sinh vượng đồng thời bị Thổ khắc bớt. Nhờ đó, hành Thủy giúp nội thất trở nên sống động, gần gũi thiên nhiên hơn. Để bổ sung Thủy cho nội thất, kết nối các hành đối lập, có thể sử dụng các mặt bàn kính uốn lượn, tiểu cảnh, bình hoa, đèn trang trí mềm mại, rèm cửa, mảng kính lóng lánh…

– Tương hòa trong tương phản: Nếu muốn nội thất không bị thiên quá nhiều về một hành nào đó có thể dùng biện pháp tương phản để kiềm chế bớt nhờ sự hoà trộn chất liệu. Chẳng hạn, những món đồ bằng đồng, sắt uốn kiểu xưa (thuộc Kim) nếu có kiểu dáng, hoa văn mềm mại thì vẫn thích hợp với phái cổ điển. Trong khi đó, cùng là đồ gỗ mà có bề mặt màu sắc tươi tắn, kiểu dáng mới, nét giản dị thì có thể tương ứng với nhóm hiện đại.

Trong ngôi nhà có nhiều thế hệ chung sống cần chọn lọc, sắp xếp vật dụng phù hợp với từng lứa tuổi, gu thẩm mỹ của các thành viên trong gia đình. Cơ sở chọn lựa là ưu tiên không gian chung dành cho hầu hết thành viên sử dụng sẽ theo phong cách chung của nhóm đó. Trong đó, những không gian tiếp khách, phòng ăn, sinh hoạt chung… nên thiên về Thổ và Mộc, phòng riêng thì tùy theo sở thích và mệnh ngũ hành của chủ nhân căn phòng.

Trả lời

Hotline 24/24

Chat With Me on Zalo

So sánh