1. Khái niệm và cấu tạo của giếng trời
Đối với những ngôi nhà nhỏ không có nhiều mặt thoáng thì thiết kế giếng trời được xem là giải pháp hàng đầu giúp không gian thông thoáng hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều người thắc mắc không biết có nên lựa chọn thiết kế này. Vậy thực tế giếng trời là gì và có cấu tạo như thế nào?
Giếng trời là gì?
Giếng trời là một khoảng không gian được thiết kế nằm ở phần trên mái nhà, có phương thẳng đứng với mặt bằng của tầng trệt. Nói một cách đơn giản hơn thì giếng trời được thông từ mái xuống tới phần nền đất của căn nhà.
Đây là một thiết kế rất thông dụng cho nhiều không gian hiện đại. Tuy nhiên, bộ phận kiến trúc này không bắt buộc cho mội ngôi nhà. Vì thế, có thiết kế giếng trời hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của gia chủ.
Thiết kế giếng trời đẹp giúp tạo điểm nhấn ấn tượng cho không gian |
Giếng trời trong tiếng anh là Skylight. Để có thể phát huy hết công dụng, khi thiết kế phải tuân theo các tiêu chuẩn riêng về kiến trúc và đáp ứng kỹ thuật xây dựng.
Cấu tạo của giếng trời
Giếng trời có thiết kế tương đối đơn giản gồm 3 phần:
- Phần đỉnh giếng: Phần này nằm ở trên mái nhà, giữ trọng trách thông gió và đón ánh sáng vào trong nhà. Đỉnh giếng thường có hệ khung mái làm bằng kính.
- Phần thân giếng: Là khoảng không từ trên đỉnh xuống tới đáy, giúp các tầng bên trên được chiếu sáng.
- Phần đáy giếng: Phần đáy nằm ở mặt bằng tầng trệt. Người ta thường tận dụng phần không gian này để trang trí thêm tiểu cảnh, như hòn non bộ, cây lá,… Hoặc kết nối cùng với nhà ăn, phòng khách để có được một bố cục hoàn hảo hơn, đẹp hơn.
Đáy giếng sẽ đẹp hơn nếu có thêm tiểu cảnh trang trí |
2. Lợi ích và vị trí của giếng trời
Sau khi tìm hiểu xong khái niệm giếng trời là gì, giếng trời trong tiếng anh là gì thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu về lợi ích và vị trí của phần kiến trúc này nhé.
Lợi ích khi thiết kế
Giếng trời có thiết kế đặc biệt phù hợp với nhà có không gian diện tích nhỏ hẹp, được bao quanh bởi rất nhiều tường bao, ít cửa,… Không chỉ giúp ngôi nhà thông thoáng hơn, giếng trời còn giúp ăn gian diện tích, làm giảm đi mức độ chật hẹp cho toàn bộ căn nhà.
Các vị trí đặt giếng trời tối ưu nhất
Việc lựa chọn vị trí đặt giếng trời cũng rất quan trọng, làm sao để có thể tối ưu công năng, đón nắng, gió tự nhiên, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ và không phạm phong thủy?
Giếng trời trong nhà
- Thường được đặt tại vị trí chính giữa để có thể lấy được ánh sáng cũng như các luồng khí tự nhiên cho toàn bộ căn nhà.
- Để tăng thêm vẻ đẹp cho không gian, chúng ta có thể trang trí thêm nhiều tiểu cảnh xung quanh đáy giếng,…
Giếng trời cuối nhà
Đây là kiểu thiết kế giếng trời nhà phố đặc thù tại các đô thị. Tuy nhiên, để phát huy được hết công năng, thì gia chủ cần lưu ý bày trí các vật dụng một cách khoa học:
- Tạo điểm nhấn cho không gian thêm ấn tượng bằng một số bức tranh treo ở phần tường trống.
- Không nên treo một số vật dụng to nặng ở phần cuối nhà để tránh gây nguy hiểm cho người qua lại. Bởi thông thường phần cuối ngôi nhà được sử dụng làm không gian sinh hoạt.
Mẫu giếng trời cuối nhà cực chất cho không gian |
Giếng trời sau nhà
Dù không phổ biến như trong nhà, nhưng đây cũng là kiểu giếng trời được nhiều gia chủ lựa chọn. Đặt giếng trời tại vị trí này, chúng ta có thể lấy được ánh sáng, đón được gió và hứng được mưa. Vì vậy mà không gian sẽ được điều hoà một cách tốt nhất.
Bạn có thể sử dụng một số đồ vật trang trí như tranh gốm hay các mặt hàng mỹ nghệ được làm thủ công để tạo thêm điểm nhấn cho không gian. Kiểu thiết kế này thường tiết kiệm mà vẫn mang lại được vẻ đẹp thẩm mỹ cho căn nhà.
Bên cạnh đó, có thể bố trí thêm một số tiểu cảnh ở phần đáy giếng để không gian sinh động hơn.
3. Thiết kế giếng trời đẹp, chuẩn phong thuỷ cần lưu ý gì?
Phong thủy giếng trời là một trong những yếu tố quan trọng, có thể tác động tới cuộc sống, sinh hoạt của đại gia đình. Vậy nên trước khi thiết kế để chuẩn khoa học, kỹ thuật xây dựng thì gia chủ cũng cần cân nhắc nhiều hơn tới vấn đề phong thủy.
Nếu xét riêng trường phái phong thủy Bát trạch, trước hết, gia chủ cần xác định được vận mệnh của bản thân để chọn hình dáng và màu sắc, ánh sáng phù hợp. Người có mệnh kim thì nên thiết kế giếng trời hình vuông hoặc hình tròn. Người có mệnh hỏa, mệnh mộc thì nên thiết kế giếng trời hình chữ nhật. Ngoài ra bạn có thể chọn màu phong thuỷ cho ánh sáng thông qua những tấm kính chuyển màu trên mái.
Mẫu thiết kế giếng trời đẹp với hình dáng tròn, giúp tăng vẻ hiện đại cho không gian |
Các chuyên gia về phong thủy khuyên gia chủ không nên đặt giếng trời tại phía Bắc để tránh những điềm rủi, không may. Nên thiết kế ra xa nhà vệ sinh để không gian được thoáng đãng và cân bằng hơn.
4. Thiết kế giếng trời đẹp cần chú ý phần mái
Mặc dù nhiều không gian chật hẹp rất cần ánh sáng, tuy nhiên luồng ánh sáng nắng mặt trời nếu quá gay gắt sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình. Chưa kể tới việc khi trời mưa, thiết kế mái không phù hợp, không đảm bảo chất lượng sẽ khiến nước mưa len lỏi vào trong nhà.
Ngày nay, để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của gia đình không bị ảnh hưởng bởi giếng trời thì người ta thường sử dụng hai kiểu mái che sau:
Mái che cố định
Trên thực tế loại mái che cố định thường có một số ưu điểm về giá thành cũng như quy trình lắp đặt. Vì vậy, kiểu mái này rất phổ biến, được nhiều gia chủ lựa chọn trong sử dụng cho không gian.
Yêu cầu về độ bền của mái che giếng trời rất cao, nên chúng thường là những tấm Poly dày, thiết kế cường lực có thể chống được va đập mạnh. Để tránh hơi nóng dồn hết vào nhà khi thời tiết khắc nghiệt, gia chủ nên chọn lắp đặt thêm những tấm pin cách nhiệt hoặc những ô thoáng giúp thoát hơi.
Mái che di động
Tùy thuộc vào mục đích và nhu cầu sử dụng, mà bạn có thể lựa chọn mái che cố định hay di động cho không gian.
Đối với loại mái che di động thì bạn có thể đóng hay mở giếng trời tùy thuộc vào nhu cầu. Mặc dù linh động hơn mái che cố định nhưng chi phí để đầu tư lại đắt đỏ hơn, quy trình lắp đặt cũng phức tạp hơn.
Có nhiều mẫu thiết kế giếng trời không có mái che |
Nhờ công nghệ kỹ thuật hiện đại, mái lợp di động thường có các loại sau:
- Mái thủ công: nhỏ và một số công cụ hỗ trợ mà chúng ta có thể đóng hoặc mở giếng trời.
- Mái motor điện: bạn có thể sử dụng điều khiển để điều lệnh cửa đóng hoặc mở.
- Mái cảm biến: khi hệ thống cảm biến nhận biết được trời mưa, cửa sẽ tự động đóng lại. Khi trời lạnh thì cửa sẽ tự động mở ra để đón không khí vào nhà.
5. Hướng dẫn thiết kế và thi công giếng trời chuẩn khoa học
Để có thể phát huy đầy đủ chức năng và công năng, thì khi thiết kế giếng trời đẹp, chuẩn theo phong thủy, bạn cần chú ý đến một số nguyên tắc như sau:
- Cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định có nên xây giếng trời hay không. Đặc biệt đối với các không gian chật hẹp nhưng đã có đủ ánh sáng tự nhiên.
- Để tránh bị thấm nước khi mưa xuống thì giếng trời cần phải có hệ thống các khe và ô thoáng trên mái.
- Đối với căn nhà hiện đại nên lược bỏ những chi tiết không cần thiết khi thiết kế giếng trời. Nên thiết kế đơn giản để có thể giúp không gian thông thoáng đúng như bản chất.
- Để tránh gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ hay người già thì giữa các tầng cần thiết kế khoa học, đảm bảo an toàn.
- Có thể thiết kế thêm các khung hoa sắt chống đỡ phần mái khi giếng trời nằm tiếp giáp các khu vực cầu thang và hành lang.
Thiết kế giếng trời giúp không gian sống luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên |
Việt Nam thuộc khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết thường xuyên nắng mưa thất thường. Điều này chắc chắn sẽ là rào cản, có ảnh hưởng trực tiếp những giếng trời không có mái che.
Để hạn chế những nhược điểm trên thì bạn cần phải nắm được nguyên tắc thông gió giếng trời, biết cách lấy gió từ giếng trời để cân bằng được hiện tượng tự nhiên. Cụ thể như sau:
- Phần biên đỉnh cần gia cố thêm sắt và chứa sắt ở phần góc.
- Tùy theo gia chủ mà đơn vị thi công sẽ xây tường bao quanh giếng cao từ 15cm đến 1,6m. Phần chủ góc riêng nên đổ thêm bê tông với kích thước 15 x 15cm.
- Nên dán thêm một đến hai lớp phim có chức năng lọc tia UV khi sử dụng các lớp kính che cường lực, mica,…
- Cần có hệ thống thống thoát nước ở đáy giếng khi thiết kế giếng trời không có mái che để tránh tình trạng ứ đọng nước.
- Gia chủ có thể thiết kế giếng trời như một khu vườn nhỏ để tận dụng được tối ưu không gian nhà phố chật hẹp.
Nhìn chung, khi thiết kế cần phải tuân thủ các quy tắc thiết kế. Cụ thể là kích thước giếng trời cầu thang, hệ thống mái che và cách âm, hệ thống thoát nước. Tất cả đều phải tuân thủ theo thông số chuẩn. Có thể sử dụng thêm nhiều tiểu cảnh và vật dụng để trang trí như đèn giếng trời, cây cối, hàng rào,…
6. Điểm danh một số mẫu thiết kế giếng trời đẹp cho không gian
Giếng trời hiện được sử dụng trong nhiều không gian nhà kể từ nhà ống, nhà cấp 4 hay nhà mái tôn để giúp làm tăng giá trị thẩm mỹ cho không gian nhà.
Giếng trời cho nhà mái tôn
Giếng trời cho nhà mái tôn đã trở thành giải pháp giúp không gian thông thoáng hơn, khắc phục được tình trạng bí bức, ngạt gió của căn nhà.
Nhà mái tôn vẫn mát rượi nhờ giếng trời |
Khi thiết kế giếng trời cho mái tôn, bạn không nên để kích thước quá to vì dễ làm nóng nhà khi thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, gia chủ nên chọn hình thức thiết kế có mái che cho nhà mái tôn.
Giếng trời nhà ống
Đối với mẫu nhà ống, bạn có thể chọn thiết kế giếng trời cầu thang. Phần đáy giếng có thể làm vườn khô hoặc bể cá. Phần đỉnh giếng nên sử dụng kính màu để giảm độ chói khi ánh nắng chiếu tới, làm ảnh hưởng tới vật liệu làm cầu thang.
Nhìn chung, bạn không cần phải thiết kế quá cầu kỳ, nên hướng tới sự đơn giản, tinh tế nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ công năng.
Thiết kế giếng trời độc đáo cho nhà ống |
Giếng trời nhà cấp 4
Phụ thuộc vào kinh phí mà gia chủ có thể chọn làm theo nhiều kiểu khác nhau. Nếu nhà cấp 4 có không gian rộng, thì bạn có thể bày trí nhiều tiểu cảnh xung quanh, và sử dụng hệ thống mái giếng trượt tự động. Nhưng nếu ngôi nhà cấp bốn đó chỉ có diện tích quá khiêm tốn, thì tốt nhất bạn không nên làm.
Mẫu thiết kế giếng trời nhà cấp 4 vô cùng độc đáo |
Có rất nhiều kiểu thiết kế giếng trời đẹp, độc đáo cho các không gian hiện đại. Để có thể sở hữu được những thiết kế đẹp nhất, gia chủ nên nhờ tới sự trợ giúp của đơn vị tư vấn thiết kế. Chúc bạn chọn được cho không gian sống của mình một thiết kế phù hợp, tối ưu nhất. Và đừng quên theo dõi các tin bài tiếp theo trên Batdongsan.com.vn để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin thú vị nào nhé.